VỀ TÁC PHẨM
“Ném và Uốn” là tác phẩm cộng tác đa phương tiện bởi các nhà soạn nhạc Alicia de Silva, Hoh Chung Shih và Joyce Beetuan Koh, với sự tham gia của nghệ sĩ viola Christoven Tan. Tác phẩm xem xét không gian vật lý bằng cách ném và uốn các “tế bào âm nhạc” trong không gian với tốc độ khác nhau và mật độ đa dạng. Các “tế bào âm nhạc” được cấu thành bởi những âm thanh ghi lại và thu thập từ môi trường và không gian xung quanh của Singapore, và được chồng lớp lên nhau để tạo một trải nghiệm sống động cho người nghe khi họ đi qua một kết cấu xen kẽ, điểm hoạ theo sự dẫn dắt bởi các âm vực của đàn viola.
VỀ NGHỆ SĨ
Hoh Chung Shih theo học tại trường King’s College London và hoàn thành bằng tiến sĩ về sáng tác tại Đại học Buffalo, nơi anh cũng theo học âm nhạc điện tử tại studio nhạc điện tử Lejaren Hiller. Trong hơn 10 năm qua, anh cũng theo học đàn cổ cầm (đàn tranh 7 dây của Trung Quốc) với thầy Ji Zhiqun. Sự hiện diện trên trường quốc tế của anh với tư các là nhà soạn nhạc thông qua các tác phẩm được giao phó và yêu cầu từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã tạo điều kiện cho anh cộng tác với những nhạc sĩ hàng đầu trên thế giới. Mối quan tâm của anh có thể được mô tả như là sự khám phá mối giao thoa kép: một bên là tiên phong và thử nghiệm, và bên kia là văn hoá đương đại quốc tế và giới trí thức văn học Trung Hoa truyền thống.
Joyce Beetuan Koh sáng tác hoà nhạc, làm việc trong các dự án cộng tác về múa, và sáng tác các tác phẩm sắp đặt âm thanh và sáng tác đa phương tiện. Làm nền tảng cho tính sáng tạo của cô là niềm đam mê với cấu trúc kiến trúc và lý thuyết khoa học. Ảnh hưởng bởi sự nhạy cảm Á Châu, kết quả là một ngôn ngữ trừu tượng, khép kín và không bao giờ quá đa cảm. Hai tác phẩm piano “la pierre magenta” và “Piano Peals” được xuất bản bởi Hội đồng ABRSM (Anh Quốc). Âm nhạc của cô được trình diễn tại các liên hoan quốc tế, đặc biệt là Biennale Âm nhạc Pháp, Liên hoan Biên cương Birmingham, và được biểu diễn bởi Nhóm hoà tấu Nieuwa, Nhóm hoà tấu Reconsil, Dàn nhạc giao hưởng BBC, Dàn nhạc giao hưởng Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Singapore, và Dàn nhạc giao hưởng Stavanger. Điểm nổi bật các tác phẩm đa phương tiện của cô bao gồm “Trên sợi dây” (đa phương tiện, 2010, Lindborg, Khiew ở Liên hoan Nghệ thuật Singapore), “Mái vòm” (sắp đặt âm thanh, 2011/2013, Lingborg, Yong ở Triển lãm Thiết kế Sân khấu Thế giới 2013), “Khỉ lửa” (múa trên địa điểm cụ thể, 2016, Công ty Fission Arts tại Liên hoan Mapping Melbourne), “Nghe dòng” (nghe nhìn, Dự án Âm nhạc Máy tính 2017, Seoul), và “Cơ thể phát thanh” (nhảy-múa, 2017, Công ty Raw Moves ở Liên hoan InsideOut Sydney). Từ năm 2014, cô là Phó Trưởng khoa (nghiên cứu liên ngành) tại Học viện Mỹ thuật Nanyang, Singapore.
Nghệ sĩ viola Singapore Christoven Tan là nghệ sĩ đương đại với niềm đam mê liên tục được tái định nghĩa đối với biểu diễn trên đàn viola cũng như với chính anh với tư cách là người nghệ sĩ. Christoven dựa chủ yếu vào việc kết nối các thực hành và phương pháp đương đại trong âm nhạc phương Tây thời nay và không ngừng tìm kiếm các tác phẩm hoặc ý tưởng mới. Anh tích cực biểu diễn độc tấu, trong nhóm, dàn giao hưởng, tại các phòng tranh, không gian nghệ sĩ công cộng và thương mại ở London, Lithuania, Kuala Lumpur, Macau, Tây Ban Nha, Singapore. Christoven đã được giao nhiệm vụ sáng tác các tác phẩm từ các nhà soạn nhạc Siting Jiang, Goh Toh Chai, Alicia Joyce de Silva, và Kelly Tang. Christoven có thể được nghe thấy trên đài BBC Radio 3 trong bản thu âm Hymnen II bởi Stockhousen với dàn nhạc London Sifonietta. Anh tập trung vào việc làm tác phẩm mới cho đàn viola mang tính đương thời, có thể được biểu diễn tới phạm vi khán giả rộng nhất. Christoven Tan tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh và Học viện Nghệ thuật Nanyang. Các giáo viên chính của anh bao gồm Garth Knox, Mgr. Jiri Heger, Michelle Li Min Zhe, Volker Hartung, Jon Thorne, và Paul Silverthorn. Christoven đã đạt giải thưởng của Quỹ Trailblazer. Christoven vừa tham gia chương trình Lưu trú Nghệ sĩ tại Học viện Nghệ thuật Đương đại Perth vào tháng 11 năm 2018.
Alicia thích khám phá âm nhạc và âm thanh của nhiều nền văn hoá khác nhau, cũng như ý nghĩa và bối cảnh văn hoá, ở cả quá khứ và tương lai. Vì vậy, một số tác phẩm của cô phản ánh sự đối nghịch của những âm thanh đó và thậm chí cả tính thẩm mỹ về biểu diễn của những nền văn hoá đó. Điều này cũng đã phát triển mối quan tâm sâu sắc của Alicia trong việc cộng tác với các nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác nhằm tạo ra các tác phẩm có thể được coi là đa/liên ngành và do đó, tạo nên màn biểu diễn đa giác quan đem lại những trải nghiệm, quan điểm mới về âm nhạc và nghệ thuật. Cô cũng đã cộng tác với các nhà biên đạo múa, vũ công, nhà văn và nhà làm phim, và đang nỗ lực tiếp tục hợp tác trong các dự án sắp tới. Alicia hiện đang hướng dẫn các nhóm hoà tấu Gamelan tại Học viện Mỹ thuật Nanyang và Viện Giáo dục Quốc gia. Vai trò kép của cô với tư cách nhà soạn nhạc và chỉ huy các nhóm hoà tấu Angklung Kulintang của Singapore đã cho phép cô phát triển những tiết mục mới giúp khám phá sự thay đổi âm vực khác nhau từ loại hình hoà tấu độc đáo này, do đó giúp các nhóm hoà tấu này liên tục đạt được giải thưởng Xuất sắc trong Liên hoan Mỹ thuật trẻ thường niên của Singapore trong những năm vừa qua.